Các Phản Ứng Phụ Khi Hóa Chất Trị liệu

Quý vị không phải là người duy nhất có những thắc mắc về các phản ứng phụ.  Trước khi bắt đầu hóa chất trị liệu, phần lớn các bệnh nhân đều có sự lo lắng về phản ứng phụ và muốn biết những phản ứng phụ đó sẽ như thế nào.

Nếu quý vị đang đọc phần bài viết này trước khi quý vị bắt đầu hóa chất trị liệu, quý vị có thể cảm thấy rất lo lắng vì có quá nhiều những phản ứng phụ của hóa chất trị liệu.  Xin quý vị nhớ một điều: phần lớn các bệnh nhân chỉ bị một số phản ứng phụ mà thôi, và có một số bệnh nhân gặp phải rất ít phản ứng phụ hoặc là không có phản ứng phụ nào cả.  Hơn thế nữa, những phản ứng phụ này có thể rất nặng ở một số người nhưng lại rất nhẹ ở một người khác.  Xin quý vị nhớ nói chuyện với bác sĩ hay y tá của quý vị để biết những phản ứng phụ nào thường xảy ra nhất cho loại hóa chất trị liệu mà quý vị sẽ được dùng, những phản ứng phụ đó kéo dài bao lâu và nặng như thế nào, và khi nào thì quý vị cần cho bác sĩ hay y tá biết về những phản ứng phụ này.  Thường thì các phản ứng phụ này có thể được chữa trị một cách dễ dàng, do đó xin quý vị cho các bác sĩ và y tá biết ngay khi mà bị những phản ứng phụ đó.  Bác sĩ của quý vị có thể cho quý vị những thuốc để tránh một số những phản ứng phụ trước khi nó có thể xảy ra.

Tại sao có những phản ứng phụ?

Hóa chất trị liệu là những thứ thuốc rất mạnh đã được chế tạo để tiêu diệt những tế bào đang phát triển nhanh chóng.  Bởi vì những thuốc này được đưa đi khắp cơ thể, chúng có thể gây hại những tế bào bình thường và khỏe mạnh khác.  Những sự tác hại trên những tế bào bình thường này là nguyên nhân gây ra các phản ứng phụ.  Mặc dù phần lớn các phản ứng phụ không tệ như người ta dự tưởng, nhưng vì có những sự đồn đại không chính xác nên bệnh nhân thường lo lắng rất nhiều khi nghe tới hóa chất trị liệu.

Những tế bào bình thường dễ bị ảnh hưởng bởi hóa chất trị liệu nhất là những tế bào máu được tạo ra từ trong tủy xương, những tế bào chân tóc, những tế bào trong miệng, trong đường tiêu hóa, và những tế bào thuộc hệ thống sinh sản.  Một số các thuốc hóa trị có thể làm hại những tế bào ở trong tim, thận, bàng quang, phổi và trong hệ thống thần kinh.  Một số những thuốc được gọi là “thuốc bảo vệ tế bào” có thể được dùng để bảo vệ những tế bào bình thường của cơ thể.

Khi dùng hóa chất trị liệu, những phản ứng phụ thường xảy ra nhất gồm có ói mửa, rụng tóc, và mệt mỏi.  Những phản ứng phụ thông thường khác gồm có tình trạng dễ bị bầm, chảy máu, và dễ bị nhiễm trùng.

Những phản ứng phụ thường kéo dài bao lâu?

Phần lớn các phản ứng phụ sẽ biến đi dần dần sau khi thuốc đã được ngưng lại vì những tế bào bình thường trong cơ thể hồi phục rất nhanh chóng.  Thời gian cần thiết để cơ thể khôi phục hoàn toàn khả năng hoạt động sẽ tùy theo người và tùy theo nhiều yếu tố khác chẳng hạn như sức khỏe tổng quát của quý vị cũng như các loại thuốc quý vị đang dùng.

Rất nhiều phản ứng phụ sẽ hết một cách nhanh chóng, nhưng một số sẽ chỉ hết sau nhiều tháng hay nhiều năm.  Một số các phản ứng phụ có thể kéo dài suốt cả cuộc đời, thí dụ như khi hóa chất gây ra những sự tổn hại vĩnh viễn cho tim, phổi, thận hay các cơ quan sinh sản.  Một số hóa chất có thể gây nên những phản ứng phụ chỉ xuất hiện nhiều năm sau khi hoá trị.  Một thí dụ là một số bệnh nhân có thể bị một ung thư thứ hai nhiều năm sau khi đã được chữa trị bởi một vài loại hóa chất.

Xin nhớ một điều quan trọng là rất nhiều người không bị những phản ứng phụ dài hạn vì hóa chất trị liệu.  Ngoài ra, mặc dù phản ứng phụ có thể rất đáng kể, chúng ta cần cân nhắc những phản ứng này so với khả năng của hóa chất trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư.

Thông thường các bệnh nhân cảm thấy chán nản vì một thời gian dài phải chữa bệnh và những phản ứng phụ mà họ phải chịu.  Nếu quý vị cảm thấy chán nản vì những việc này, xin quý vị nói chuyện với bác sĩ của quý vị. Nhiều khi bác sĩ có thể thay đổi thuốc khác cho quý vị hoặc là thay đổi thời khóa biểu của việc chữa trị.  Ngoài ra các bác sĩ cũng có thể giúp cho quý vị những cách khác nhau để làm giảm bớt cơn đau và sự khó chịu của quý vị trong khi chữa trị.

Dưới đây là một số những cách giúp quý vị đương đầu với những phản ứng phụ thông thường nhất của hóa chất trị liệu.

Chống lại buồn nôn và ói mửa

Buồn nôn và ói mửa là hai phản ứng phụ thông thường nhất và đáng sợ nhất của hóa chất trị liệu.  Tùy theo loại thuốc hóa trị và cơ thể người bệnh, việc nôn mửa có thể rất nhẹ, mà cũng có thể rất nặng.

Thông thường nôn và mửa bắt đầu vài tiếng đồng hồ sau cuộc chữa trị và chỉ kéo dài một thời gian ngắn.  Một đôi khi, triệu chứng nôn và mửa rất nặng có thể kéo dài vài ba ngày.  Xin quý vị nhớ cho bác sĩ và y tá biết nếu quý vị cảm thấy rất là buồn nôn hay là quý vị đã ói mửa hơn một ngày, hoặc là quý vị buồn nôn đến độ quý vị không thể uống nước được.

Để chống lại ói mửa, quý vị có thể thay đổi cách ăn uống và có thể dùng các thuốc chống nôn mửa.  Những thứ thuốc chống nôn mửa này có nhiều loại khác nhau và mỗi thứ có thể hợp với người này mà không hợp với người khác.  Đôi khi chúng ta cần phải thử một vài loại thuốc khác để tìm được thứ thuốc hợp với mình.  Nếu một thứ thuốc không giúp cho quý vị, xin quý vị cho bác sĩ và y tá biết để tìm một thứ thuốc khác hay là kết hợp nhiều thuốc khác nhau để giúp cho quý vị.

Khoảng một nửa các bệnh nhân đang dùng hóa trị cảm thấy buồn nôn ngay cả trước khi bắt đầu buổi chữa trị.  Hiện tượng này gọi là buồn nôn vì dự đoán và hiện tượng này rất thật với bệnh nhân.  Cách tốt nhất để giúp cho việc buồn nôn vì dự đoán này là các phương pháp thư giãn mà chúng tôi sẽ nói tới trong phhần sau tập sách này.

Ngoài ra, quý vị có thể thử những phương pháp sau đây để đỡ bị buồn nôn và ói mửa:

  • Đừng ăn nhiều quá rước khi vào làm hóa chất trị liệu.  Quý vị nên ăn những bữa ăn nhỏ nhiều lần một ngày hơn là ăn một, hai, hay ba bữa ăn lớn trong một ngày.
  • Uống nước hay chất lỏng một tiếng trước hay sau bữa ăn hơn là uống chất lỏng cùng với bữa ăn của quý vị.
  • Ăn uống chậm rãi.
  • Đừng ăn những món quá ngọt, những món chiên xào, hay nhiều mỡ, hay những món ăn cay hoặc chua quá độ.
  • Dùng thức ăn lạnh hay nguội để tránh những mùi đồ ăn gây cảm giác buồn nôn.
  • Nhai thức ăn kỹ cho dễ tiêu hóa.
  • Nếu thường bị buồn nôn vào buổi sáng, quý vị thử ăn những loại đồ ăn khô như ngũ cốc, bánh mì nướng hay là bánh lạt ngay sau khi thức dậy (quý vị đừng nên thử cách này nếu trong miệng hoặc trong cổ họng quý vị bị lở, bị đau hay miệng quý vị quá khô).
  • Nên uống những chất lỏng, mát và trong như là nước táo, nước trà, hoặc là những nước ngọt đã để bay hơi.
  • Ngậm đá cục, kẹo bạc hà, hay kẹo chua.  Tuy nhiên không nên ngậm kẹo chua nếu miệng quý vị đang bị lở.  Quý vị cũng không nên ăn nhiều đồ chua vì những đồ chua này có thể làm cho dạ dày bị khó chịu.
  • Quý vị nên tránh những mùi nào làm khó chịu cho quý vị như mùi nước hoa, mùi xào nấu, hay mùi khói thuốc.
  • Nghỉ ngơi bằng cách ngồi trên ghế sau khi ăn, nhưng trong vòng hai tiếng đồng hồ sau khi quý vị ăn xong.  Tránh đừng nằm thẳng.
  • Mặc quần áo rộng rãi.
  • Thở sâu,dài, và chậm khi cảm thấy buồn nôn.
  • Tìm cách quên cảm giác buồn nôn bằng cách nói chuyện với bạn bè hay người thân, hoặc là nghe nhạc, xem phim, hay xem truyền hình.
  • Dùng những phương pháp giúp thư giãn.
  • Tránh ăn uống ít nhất là một vài giờ trước khi vào thuốc nếu quý vị thường bị buồn nôn trong lúc đang làm hóa chất trị liệu.

Tôi phải làm gì khi bị rụng tóc?

Việc mất tóc có thể ảnh hưởng tới tinh thần của bệnh nhân rất nhiều.  Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hóa chất trị liệu đều làm mất tóc, và một số bệnh nhân chỉ bị mất rất ít tóc mà chỉ có họ mới biết mà thôi.  Bác sĩ của quý vị có thể cho quý vị biết là loại hóa chất mà quý vị sẽ dùng có gây nên việc mất tóc hay không.  Nếu quý vị bị mất tóc, hầu h! êt tóc sẽ mọc trở lại sau khi cuộc chữa trị đã xong.  Tóc mới mọc thường mịn và dầy hơn trước và đậm mầu hơn.

Quý vị có thể mất tóc hoặc là mất lông trên bất cứ phần cơ thể nào của quý vị, không chỉ ở trên đầu.  Lông ở trên mặt, tay, chân, lông ở dưới nách và chỗ kín đều có thể bị ảnh hưởng.  Thường thì quý vị sẽ không bị mất tóc ngay lập tức sau cuộc chữa trị hóa chất đầu tiên.  Thông thường, quý vị bắt đầu mất tóc khoảng vài tuần sau cuộc chữa đầu tiên hoặc sau vài cuộc chữa trị.  Khi tóc bắt đầu bị rụng, tóc có thể rụng từ từ hay là rụng một lần rất nhiều sợi.  Ngoài ra, những sợi tóc còn lại có thể trở nên khô và dễ gẫy.  Trong khi nhận hóa chất trị liệu, tóc và da đầu của quý vị cần được săn sóc một cách đặc biệt.  Quý vị hãy thử những điều sau:

  • Dùng thuốc gội đầu loại nhẹ.
  • Dùng bàn chải mềm để chải tóc.
  • Dùng độ nóng thấp nếu quý vị sấy tóc.
  • Khi quý vị cuộn tóc, xin đừng dùng những loại cuộn tóc có gai hay bàn chải.
  • Xin quý vị đừng đi uốn tóc hay đi nhuộm tóc trong lúc đang xài hóa chất.
  • Quý vị nên thử cắt tóc ngắn.  Tóc ngắn sẽ làm cho tóc của quý vị có vẻ dầy hơn và đầy hơn.  Ngoài ra tóc ngắn cũng giúp cho quý vị cảm thấy sạch sẽ và dễ chịu hơn nếu tóc rụng trong lúc này.
  • Quý vị nên xài thuốc chống nắng, mũ, khăn hay tóc giả để bảo vệ da đầu của quý vị khi đi ra nắng.
  • Quý vị nên xài bọc gối bằng hàng vải bóng và mịn.

Tôi có cần phải che đầu lại hay không?

Một số bệnh nhân sau khi mất hết tóc dùng những khăn quấn đầu, mũ, tóc giả để che đầu lại.  Một số người khác thì lại không dùng gì cả.  Và một số người sử dụng khăn che đầu hay tóc giả khi đi ra đường nhưng lại để trống khi ở nhà với bạn bè và gia đình.

Tôi phải làm gì để chống đỡ sự mệt mỏi?

Sự mệt mỏi là một trong những phản ứng phụ thường xảy ra nhất trong khi đang làm hóa chất trị liệu.  Có người chỉ cảm thấy hơi mệt nhưng lại có những người hoàn toàn không có năng lực gì hết.  Người ta thường thấy mệt mỏi nhiều nhất vào lúc bắt đầu và lúc cuối của một chu kỳ chữa trị.  Cũng như các phản ứng phụ khác, sự mệt mỏi sẽ chấm dứt một khi hóa chất trị liệu đã được hoàn tất.

Trong khi đang sử dụng hóa chất quý vị có thể theo những điều khuyên sau đây để giúp chống đỡ sự mệt mỏi:

  • Nghỉ ngơi nhiều, nhưng quý vị nên nhớ là nếu nghỉ ngơi nhiều quá quý vị có thể thấy mệt hơn.  Cách tốt nhất là nên nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn vài lần trong một ngày.  Nếu quý vị bị mất ngủ thì nên cho bác sĩ của quý vị biết
  • Hỏi bác sĩ hay y tá xem quý vị có thể tập thể thao trong lúc đang chữa bệnh hay không.  Những cách thể thao như đi bộ có thể giúp cho quý vị đỡ bị mệt mỏi.
  • A8n thức ăn có đầy đủ chất bổ và uống nhiều các chất lỏng.
  • Không nên làm những việc nặng nhọc.  Quý vị chỉ nên làm những việc thấy là cần thiết nhất mà thôi.
  • D9ừng ngại ngùng khi nhờ vả người khác.  Quý vị nên nhờ gia đình hoặc bạn bè và những người chung quanh giúp cho quý vị những việc chẳng hạn như trông con, đi mua sắm, làm việc nhà, hoặc lái xe.  Thí dụ. những người hàng xóm của quý vị có thể mua giùm cho quý vị một vài thứ khi họ đi mua sắm cho chính họ.
  • Khi quý vị ngồi hay nằm xuống, xin ngồi dậy hay đứng dậy từ từ để đừng bị chóng mặt.

Ảnh hưởng trên máu: thiếu máu, nhiễm trùng, và chảy máu

Tủy xương là nơi làm ra ba phần quan trọng của máu: hồng huyết cầu là những tế bào mang dưỡng khí tới các tế bào khác khắp cơ thể; bạch huyết cầu để chống lại nhiễm trùng; và tiểu cầu là những tế bào làm đông máu để ngưng chảy máu.  Hóa chất trị liệu có thể tiêu diệt một phần của những tế bào tủy sống; do đó những tế bào máu sẽ được chế tạo ít hơn.  Tùy theo loại tế bào máu bị ảnh hưởng nhiều nhất, quý vị có thể gặp những phản ứng phụ liên hệ tới máu khác nhau.

Bác sĩ của quý vị sẽ theo dõi số lượng những tế bào máu trong lúc quý vị đang làm hóa trị và có thể phải cho quý vị chích những thứ thuốc đặc biệt để giúp tủy sống tạo thêm những tế bào máu mới.

Thiếu hồng huyết cầu (thường gọi là thiếu máu)

Nếu có quá ít hồng huyết cầu trong cơ thể, những tế bào và mô của cơ thể sẽ không có đủ dưỡng khí để làm việc.  Trường hợp này được gọi là thiếu máu. Khi bị thiếu máu, quý vị có thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, tái xanh, dễ cảm thấy lạnh và đôi khi có thể cảm thấy nghẹt thở.  Quý vị có thể theo những điều chúng tôi đã chỉ dẫn ở trên trong phần “chống mệt mỏi” để chống lại những triệu chứng của bệnh thiếu máu.  Tuy nhiên, điều quan trọng là quý vị phải nhớ cho bác sĩ hay y tá của quý vị biết về những triệu chứng này của quý vị.  Bác sĩ của quý vị sẽ thử máu trong lúc quý vị đang dùng hóa chất.  Nếu số hồng huyết cầu của quý vị xuống quá thấp hoặc là quý vị đang bị những triệu chứng do thiếu máu kể trên, quý vị có thể cần được truyền máu hay cần được chữa với một thứ thuốc đặc biệt để giúp tái tạo các tế bào hồng huyết cầu trong tủy sống.

Nhiễm trùng

Nếu quý vị có quá ít bạch huyết cầu, cơ thể quý vị sẽ không có đủ sức để chống lại nhiễm trùng.  Một loại bạch huyết cầu đặc biệt gọi là neutrophil rất quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng.  Nếu loại bạch huyết cầu đặc biệt này bị thiếu nhiều thì chúng ta rất dễ bị nhiễm trùng.  Các bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng bất cứ chỗ nào trong cơ thể nhưng thường nhất là ở miệng, da, phổi, đường tiểu, hậu môn và các bộ phận sinh dục.

Nếu bạch huyết cầu của quý vị quá thấp, bác sĩ của quý vị có thể phải hoãn cuộc chữa trị lại, hoặc cho quý vị một lượng thuốc thấp hơn, hoặc phải chích cho quý vị một loại thuốc để giúp những tế bào bạch huyết cầu mọc nhanh hơn trong tủy sống.

Nếu bạch huyết cầu của quý vị quá thấp, các bác sĩ hoặc y tá sẽ có những lời khuyên quý vị cần theo.  Ngoài ra quý vị có thể tránh bị nhiễm trùng bằng những cách sau đây:

  • Rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn cũng như trước khi và sau khi dùng nhà tắm.
  • Tránh xa những người đang bị bệnh hay lây chẳng hạn như cảm, cúm, sởi hay là trái rạ.  Ngoài ra quý vị cũng nên tránh những người đang hắt hơi, sổ mũi, ho, hay đang bị sốt
  • Tránh đám đông.
  • Tránh những trẻ em vừa mới được chích ngừa, chẳng hạn như vừa mới được chích ngừa bệnh liệt, bệnh sởi, bệnh quai hàm, hay là bệnh sởi đỏ.
  • Rửa sạch vùng hậu môn của quý vị một cách nhẹ nhàng nhưng kỹ lưỡng sau khi đi đại tiện.  Nếu quý vị bị trĩ nên hỏi bác sĩ hay y tá phải làm gì.  Ngoài ra quý vị nên nhớ hỏi bác sĩ xem quý vị có thể xài những loại thuốc nhét hậu môn hay những loại thuốc sổ bơm vào hậu môn hay không.
  • Đừng cắt hoặc xé những da xung quanh móng tay, móng chân.
  • Xin rất cẩn thận khi quý vị xài kéo, kim hay dao để đừng bị cắt vào da hay tay.
  • Nếu quý vị phải cạo râu hay lông, nên xài loại máy cạo bằng điện.  Không nên xài lưỡi dao cạo thường.
  • Dùng bàn chải đánh răng thật mềm để khỏi tổn hại đến lợi của quý vị.  Xin đừng nặn hay gãi những mụn ở mặt hay trên người.
  • Tắm mỗi ngày và dùng nước ấm chứ không nên dùng nước nóng.  Quý vị lau khô bằng cách thấm nhẹ vào người.  Quý vị không nên chà mạnh vào người.  Quý vị nên dùng các thuốc làm mềm da nhất là nếu da của quý vị trở nên khô và nứt.
  • Rửa những vết cắt hay vết trầy ngay lập tức với nước ấm, xà bông và thuốc khử trùng.
  • Dùng loại bao tay dầy khi làm vườn hay khi giữ gìn vệ sinh cho thú vật trong nhà hay cho trẻ em nhỏ trong nhà.
  • Đừng chích ngừa mà không có sự cho phép của bác sĩ của quý vị.

Mặc dù quý vị có thể rất cẩn thận, cơ thể quý vị vẩn có thể không đủ khả năng chống lại nhiễm trùng khi bạch huyết cầu đang thấp.  Xin để ý đến cơ thể quý vị xem có những triệu chứng đang bị nhiễm trùng hay không, nhất là để ý đến mắt, mũi, miệng, chỗ kín, cũng như là chỗ gần hậu môn của quý vị.

Những triệu chứng của nhiễm trùng:

  • Sốt từ 100.5 độ F trở lên.
  • Lạnh run.
  • Đổ mồ hôi.
  • Đi tiêu chảy (đây cũng có thể là một phản ứng phụ khác của hóa chất).
  • Bị rát, nóng hay đau khi quý vị đi tiểu.
  • Ho nhiều hay đau cổ nhiều.
  • Có sự ngứa ngáy của âm hộ hay những nước lạ hay hôi chảy từ âm hộ.
  • Ửng đỏ, sưng, hay đau nhất là xung quanh một vết thương, một vết lở, một cái mụn hoặc là ở nơi quý vị có dụng cụ cho thuốc vào mạch máu.
  • Đau bụng.

Xin quý vị hãy báo ngay cho các bác sĩ về những triệu chứng này.  Nếu quý vị lên cơn sốt, xin quý vị đừng dùng thuốc aspirin, thuốc tylenol, hay acetaminophen hay bất cứ thuốc nào khác mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Vấn đề chảy máu hay bị đọng máu bất bình thường

Các thuốc dùng trong hóa chất trị liệu có thể ảnh hưởng đến sự chế tạo tiểu cầu từ tủy xương.  Tiểu cầu là những tế bào máu giúp trong việc ngưng chảy máu bằng cách đông máu và đóng nút lại những mạch máu bị thương tích.  Nếu trong máu chúng ta không có đủ tiểu cầu, chúng ta có thể chảy máu hoặc bị bầm dễ dàng, ngay cả khi bị thương tích rất nhẹ.

Xin quý vị nhớ cho bác sĩ biết ngay nếu thấy mình có những triệu chứng như: bị bầm ở những chỗ bất ngờ, những dấu chấm đỏ ở dưới da, nước tiểu trở thành đỏ hay hồng, hoặc là trong phân có máu hay là phân màu đen.  Ngoài ra quý vị cũng nên cho bác sĩ biết nếu quý vị chảy máu ở trong lợi hoặc từ mũi, nếu quý vị cảm thấy nhức đầu dữ dội, chóng mặt, cảm thấy yếu, hoặc là đau nhức ở trong bắp thịt hay những khớp xương. Bác sĩ của quý vị sẽ thử máu để xem lượng tiểu cầu như thế nào trong thời kỳ chữa trị.  Nếu lượng tiểu cầu xuống quá thấp, quý vị có thể phải được truyền tiểu cầu.

Sau đây là những cách quý vị có thể sử dụng để tránh bị tổn hại khi lượng tiểu cầu của quý vị xuống quá thấp:

  1. Đừng uống thứ thuốc nào mà không cho bác sĩ hoặc y tá của quý vị biết trước.  Những thứ thuốc này gồm có aspirin, hoặc những loại thuốc chống đau không có aspirin như tylenol, ibuprofen, acetaminofen, và tất cả những loại thuốc nào mà quý vị có thể mua mà không cần toa.  Một số loại thuốc này có thể làm cho tiểu cầu bị yếu đi và làm cho quý vị dễ chảy máu hơn.
  2. Đừng nên uống những thức uống có chất alcohol hay rượu, trừ trường hợp bác sĩ nói quý vị có thể được uống.
  3. Nên xài bàn chải đánh răng thật mềm để đánh răng.  Nếu quý vị bị chảy nước mũi thì xin xịt rất nhẹ nhàng vào trong một cái khăn thật mềm.  Nếu quý vị đang ho xin cho bác sĩ biết.  Quý vị nên cẩn thận đừng để bị thương tích khi sử dụng dao, kim, kéo hay những dụng cụ khác.
  4. Tránh rặn khi đi cầu.
  5. Cẩn thận để tránh bị phỏng khi nấu nướng hay ủi quần áo.  Khi thò tay vào lò nướng, xin quý vị dùng găng tay vải thật dầy.
  6. Tránh chơi những trò thể thao mạnh hoặc có sự đụng chạm đến những người khác vì những hoạt động này có thể gây ra thương tích.
  7. Khi cạo râu, hãy dùng loại cạo râu bằng điện thay vì lưỡi dao cạo thường.

Làm cách nào để giữ gìn miệng, lợi, và cổ họng?

Giữ gìn răng, miệng, và cổ họng mạnh khỏe là một điều rất quan trọng trong lúc đang chữa bệnh ung thư.  Một số hóa chất có thể gây ra những vết lở trong miệng và trong cổ họng hoặc có thể làm cho miệng và cổ họng bị khô, ngứa ngáy hoặc chảy máu trong miệng.  Những vết lở trong miệng có thể rất ợ đau đớn hoặc có thể nhiễm trùng bằng những vi trùng thường sống trong miệng chúng ta.  Trong khi đang được chữa trị bằng hóa chất, cơ thể bị yếu và rất khó chống lại chứng nhiễm trùng.  Vì vậy, nhiễm trùng có thể gây ra những vấn đề rất tai hại cho sức khỏe.  Do đó, chúng ta cần phải làm đủ mọi cách để ngăn ngừa sự nhiễm trùng.  Sau đây là một số các đề nghị để giúp cho quý vị giữ miệng, lợi và cổ họng của quý vị được mạnh khỏe:

  • Trước khi quý vị bắt đầu thuốc xài hóa chất, quý vị có thể đi gặp các nha sĩ để làm sạch răng và để trám những vết sâu và chữa túi mủ, chữa bệnh của lợi hoặc sửa lại những hàm răng giả không vừa.
  • Xin quý vị nhờ nha sĩ của quý vị chỉ cách tốt nhất để đánh răng, giữ răng sạch trong lúc được sử dụng hóa chất.
  • Quý vị cũng có thể dùng một thứ súc miệng có chất fluoride hoặc là kem có chất fluoride để giữ cho răng khỏi bị hư hại vì một số hóa chất có thể làm cho răng quý vị dễ bị sâu.  Xin quý vị đánh răng và lợi sau mỗi bữa ăn.  Xin quý vị nên dùng bàn chải đánh răng thật mềm và đánh răng rất nhẹ.  Nếu quý vị đánh răng quá mạnh, quý vị có thể làm tổn hại đến những mô mềm trong miệng.  Xin quý vị nhờ nha sĩ đề nghị một loại bàn chải đánh răng, dây làm sạch răng hay là kem đánh răng đặc biệt nếu lợi của quý vị thuộc loại nhạy cảm.
  • Quý vị nên rửa sạch bàn chải đánh răng sau mỗi lần dùng và giữ ở một nơi khô ráo.
  • Quý vị nên tránh những loại thuốc súc miệng bán ở ngoài tiệm vì những thuốc này có chứa rất nhiều những chất muối hoặc có nhiều lượng rượu có thể làm đau sót miệng.  Quý vị nên hỏi bác sĩ hay y tá về những loại nước rửa miệng hay là những loại nước rửa miệng có thuốc trụ sinh để trừ nhiễm trùng.

Nếu bị lở miệng, xin quý vị cho bác sĩ hay y tá biết ngay vì quý vị có thể cần được điều trị.  Nếu những vết lở này đau đớn làm cho quý vị ăn không được, xin quý vị thử làm những cách như sau:

  • Quý vị có thể hỏi bác sĩ cho quý vị một loại thuốc, hoặc bôi thẳng hoặc ngậm, để cho đỡ đau.
  • Ăn thức ăn lạnh hay những thức ăn nguội.  Những thức ăn nóng hay ấm có thể làm cho quý vị đau đớn hơn.
  • Chọn thức ăn mềm làm cho miệng cảm thấy dễ chịu chẳng hạn như kem, đồ ăn của trẻ con như babyfood, sữa milkshake, hoặc là những trái cây mềm như chuối, táo tán nhỏ, khoai tây nghiền, đồ ngũ cốc nấu mềm, trứng nấu mềm v.và hoặc quý vị cũng có thể xay những thức ăn đã nấu chín để giúp cho nó mềm và dễ ăn hơn.
  • Tránh những thức ăn có thể làm cho đau hay khó chịu trong miệng chẳng hạn như những thức ăn có chất chua như cà chua, trái cây như cam, bưởi, những loại nước uống chua như nước cam, nước bưởi, hay nước chanh.  Quý vị cũng nên tránh những thức ăn mặn hay cay.  Quý vị cũng nên tránh những thức ăn cứng, hoặc khô như rau sống, bánh mì nướng.

Nếu miệng quý vị bị khô và làm cho quý vị ăn uống khó khăn, quý vị có thể dùng những phương pháp sau đây:

  • Quý vị có thể hỏi bác sĩ của quý vị xem có thể dùng một loại nước miếng nhân tạo để làm ướt miệng hay không.
  • Quý vị có thể uống nhiều chất lỏng.
  • Quý vị có thể ngậm nước đá hay kem lạnh hay là những kẹo không có đường.  Quý vị có thể nhai kẹo cao su, hoặc dùng những thứ để làm cho thức ăn đỡ khô hơn như bơ, magarine, sốt, hay nước canh.
  • Quý vị có thể bỏ những thức ăn khô vào trong chất lỏng cho mềm, hoặc xay nhỏ thức ăn.
  • Nếu môi của quý vị khô, có thể dùng những thứ thuốc làm cho mềm môi.

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Khi bị bệnh và đang chữa bệnh, có lẽ quý vị sẽ để ý đến những sự thay đổi của cơ thể của mình hơn bao giờ hết.  Quý vị sẽ nhận thấy tất cả những thay đổi hay nhhững dấu hiệu bất bình thường trong cơ thể.  Quý vị đừng nên coi thường những triệu chứng đó.  Có thể một số những triệu chứng là những phản ứng phụ rất nhẹ và không quan trọng, nhưng lại có những phản ứng phụ là dấu hiệu của những vấn đề quan trọng đang xảy ra hay sẽ xảy ra.  Vì vậy, xin nhớ là không nên tự làm bác sĩ cho mình.  Quý vị lúc nào cũng cần phải có số điện thoại mà quý vị có thể gọi bác sĩ trong và ngoài giờ làm việc.  Quý vị phải gọi bác sĩ ngay lập tức nếu quý vị có những triệu chứng sau đây:

  • Nếu quý vị bị sốt 100.5 độ F hay cao hơn.
  • Nếu quý vị bị chảy máu hay bị bầm mà không có lý do gì cả.
  • Nếu quý vị nổi những mụn nhọt ở da hay những dị ứng chẳng hạn như sưng, ngứa một phần trong cơ thể hay là bị lên cơn suyễn hay khó thở.
  • Bị lạnh run.
  • Bị đau hay lở ở chỗ chích thuốc hóa chất hay là ở chỗ ống đưa vào mạch máu.
  • Những cơn đau bất bình thường kể cả những cơn đau đầu nặng.
  • Khó thở.
  • Bị tiêu chảy hay ói mửa mà không ngừng được.
  • Máu trong phân hay trong nước tiểu.

Phải làm gì khi bị tiêu chảy?

Hóa chất trị liệu ảnh hưởng đến những tế bào lót ở bên trong ruột và có thể gây ra tiêu chảy.  Nếu quý vị bị tiêu chảy hơn 24 tiếng đồng hồ mà không ngừng, hay nếu quý vị bị đau thắt bụng với tiêu chảy, xin quý vị gọi bác sĩ.  Nếu trường hợp quý vị bị nặng, có thể bác sĩ sẽ cho quý vị thuốc chống tiêu chảy, nhưng xin quý vị đừng uống những thứ thuốc chống tiêu chảy nào mà quý vị có thể mua ngoài tiệm mà không hỏi bác sĩ của quý vị trước.

Quý vị cũng có thể thử những phương pháp sau đây để kiềm chế tiêu chảy:

  1. Ăn ít hơn nhưng ăn thường xuyên hơn.
  2. Tránh uống cà phê, trà, rượu hay ăn đồ ngọt.
  3. Tránh những thức ăn có nhiều chất sơ, vì những thức ăn có nhiều chất sơ có thể làm cho bị tiêu chảy và đau bụng.  Những thức ăn có nhiều chất sơ gồm có bánh mì, hay là ngũ cốc chưa được giã trắng, những rau sống, các loại đậu, các loại hạt, loại bắp ngô rang, và các trái cây tươi hay khô.  Những thức ăn có ít chất sơ như bánh mì trắng, gạo trắng, mì sợi, các loại ngũ cốc mà đã được giã trắng, chuối chín, các loại trái cây đã nấu chín hoặc được đóng hộp mà không có vỏ, sữa chua, trứng, khoai tây xay, hoặc là nướng mà không có vỏ, các thứ rau xay, cá, thịt gà hay thịt gà tây không có da.
  4. Tránh thức ăn chiên xào có mỡ màng, hay những đồ ăn chua cay.
  5. Tránh uống sữa hay những thức ăn có chứa sữa vì nó có thể làm cho quý vị dễ đi tiêu chảy hơn.
  6. Nếu bác sĩ của quý vị cho phép, quý vị có thể ăn nhiều thức ăn có nhiều chất muối diêm tức là potassium chẳng hạn như chuối, cam, khoai tây, mơ hay là đào.
  7. Uống thật nhiều chất lỏng để thay thế những chất lỏng mà quý vị đã mất khi bị tiêu chảy.  Quý vị nên uống những chất lỏng nhẹ và trong chẳng hạn như nước táo, trà loãng, nước soup trong hoặc là nước gừng gọi là gingerale.  Xin quý vị uống những nước này từng ít một và uống nguội.  Nếu quý vị uống những thức uống có chất hơi, xin quý vị để cho hơi bay đi hết trước khi uống.
  8. Nếu bị tiêu chảy nặng, có nghĩa là quý vị có bị đi tiêu chảy hơn 6 lần trong 24 tiếng, xin quý vị cho bác sĩ biết ngay lập tức.  Quý vị nên hỏi bác sĩ xem có nên chỉ ăn một loại nước trong mà thôi hay không để cho ruột của quý vị có thể được nghỉ ngơi.  Một khi đã nghỉ ngơi và quý vị cảm thấy khá hơn, từ từ quý vị có thể thêm vào những thức ăn mà ít sơ mà chúng tôi kể trên.  Những thức ăn chỉ có chất lỏng trong sẽ không đủ chất bổ cho quý vị, chỉ nên duùng không hơn 3, 4 ngày.  Nếu quý vị vẫn tiếp tục tiêu chảy, quý vị có thể cần phải được truyền nước biển hay thức ăn vào thẳng trong tĩnh mạch để thay thế những nước và chất bổ mà quý vị đã mất.

Tôi phải làm gì trong trường hợp bị bón?

Một số bệnh nhân bị bón khi đang sử dụng hóa chất.  Một số người khác có thể bị bón vì họ trở nên thụ động hơn bình thường, hoặc là ăn ít hơn bình thường, hoặc là họ đang uống một số các thuốc trị đau.  Nếu quý vị không đi cầu trong hơn hai ngày, quý vị nên cho bác sĩ biết.  Quý vị có thể cần phải uống thuốc xổ, hoặc là thuốc làm mềm phân hoặc dùng một thứ thuốc để bơm ruột.  Tuy nhiên, xin quý vị phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng những loại thuốc này nhất là nếu bạch huyết cầu hoặc là tiểu cầu của quý vị đang thấp.

Khi bị bón, quý vị có thể thử những phương pháp sau đây:

  • Uống thật nhiều nước, chất lỏng, để giúp phân dễ đi hơn.  Những chất lỏng nóng, hoặc nước mận, prune, sẽ giúp cho quý vị rất nhiều.
  • Nên ăn những thức ăn có nhiều chất sơ
  • Nên tập thể dục nhiều hơn.  Nhiều khi chỉ cần đi bộ nhiều cũng giúp cho quý vị.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quý vị gia tăng những hoạt động thể thao.

Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và các bắp thịt.

Một số các thuốc hóa trị có thể gây ra những bệnh thần kinh của tay và chân.  Thường thì bệnh nhân cảm thấy như bị kim chích hay bị phỏng, hay là bị tê hay yếu ở tay hoặc chân.  Những triệu chứng khác gồm có không giữ được thăng bằng, khó khăn trong vấn đề sử dụng các ngón tay như cầm đũa, sử dụng bút, đóng mở khuy nút, đi đứng khó khăn, đau hàm, nghe không rõ, đau bụng, hay là bị bón.  Ngoài những phản ứng trên thần kinh này, một số các thứ thuốc hóa trị còn có thể ảnh hưởng tới những bắp thịt làm cho những bắp thịt này trở nên yếu, mệt hay đau nhức.

Những phản ứng phụ trên hệ thần kinh và bắp thịt làm cho ta rất khó chịu nhưng phần lớn không có tai hại nhiều. Thường thường chúng chỉ tạm thời và sẽ bớt đi với thời gian.  Có trường hợp hóa chất trị liệu phải được ngưng lại tạm thời nếu những phản ứng này nặng đến một độ nào đó.  Do đó quý vị nên cho bác sĩ của quý vị biết những triệu chứng có liên hệ đến thần kinh hay những bắp thịt như trên.

Sự cẩn thận và sự hiểu biết thông thường có thể giúp cho quý vị nhiều, khi bị những phản ứng trên hệ thần kinh và bắp thịt. Chẳng hạn, nếu những đầu ngón tay của quý vị bị tê dại, quý vị phải rất cẩn thận khi sử dụng những vật dụng nhọn, sắc, nóng hay là các vật dụng có thể nguy hiểm. Nếu quý vị cảm thấy quý vị đi đứng không được vững, khi đi đứng xin thận trọng, và dùng những cách giúp cho quý vị đi đứng được vững hơn như vịn vào tường, vào thành cầu thang, dùng gậy, và dùng tấm trải trong bồn tắm khi quý vị tắm để khỏi trợt.

Da của tôi sẽ có bị ảnh hưởng gì hay không?

Quý vị có thể bị phản ứng ngoài da trong lúc dùng hóa chất.  Nhhững phản ứng này thường thì nhẹ và gồm có bị đỏ, ngứa, lột da, khô da, hay nổi mụn.

Phần lớn những phản ứng này quý vị có thể tự lo lấy được.  Nếu quý vị bị nổi mụn chẳng hạn, quý vị có thể giữ cho mặt của quý vị được sạch sẽ, khô ráo.  Nếu quý vị bị ngứa, quý vị có thể xài bột cornstarch tức là bột bắp xay nhuyễn.  Để tránh bị khô, quý vị nên tắm bằng vòi sen và nước ấm và tắm nhanh, hơn là tắm lâu trong bồn tắm với nước nóng.  Quý vị nên bôi kem dưỡng da hay là thuốc dưỡng da ngay sau khi tắm trong lúc da của quý vị còn đang ẩm.  Xin quý vị tránh xài những dầu thơm vì những thứ này thường có chứa chất cồn tức là chất rượu có thể làm cho da bị khô.

Một số các thuốc hóa trị khi cho vào trong tĩnh mạch, có thể làm da trên các tĩnh mạch này bị đen.  Thường thì sau khi chữa trị xong, màu da sẽ từ từ trở lại bình thường.  Một số thuốc hóa trị có thể làm cho quý vị dễ bị ăn nắng.  Xin quý vị hỏi các bác sĩ hay y tá về các thứ thuốc chống nắng.  Một số quý vị có thể phải tránh đi ra ngoài nắng hoàn toàn.  Quý vị nên mặc những áo bằng vải dài tay, đội mũ, và mặc quần dài để tránh nắng.

Móng tay của quý vị có thể đổi màu đen hơn, dễ bị gãy, có thể có những vết sọc hay ngang.  Những thay đổi này sẽ biến đi sau khi ngưng thuốc một vài tháng.  Qúy vị nên bảo vệ bàn tay và móng tay của quý vị bằng cách mang bao tay khi rửa bát đĩa, làm vườn, hoặc là làm những công việc khác ở trong nhà.  Một số những thứ thuốc bán ở ngoài chợ có thể giúp làm cho móng tay của quý vị cứng hơn nhưng nó cũng có thể làm cho quý vị bị ngứa ngáy.

Nếu quý vị đã làm hết sức của quý vị mà vẫn còn có những vấn đề về da hoặc về móng tay, xin quý vị hỏi bác sĩ xem có cách nào khác không.  Nếu quý vị bị đỏ, đau, hay những thay đổi khác ở xung quanh da móng tay của quý vị, xin quý vị cho bác sĩ của quý vị biết ngay.

Tuy phần lớn những phản ứng về da không đáng kể, nhưng có một vài vấn đề về da cần phải được cho bác sĩ biết ngay.  Thí dụ một số thuốc cho vào tĩnh mạch có thể bị ứa ra ngoài và có thể gây thương tích nặng cho những tế bào xung quanh.  Nếu quý vị đang được cho thuốc vào tĩnh mạch mà cảm thấy đau hay là có cảm giác bị bỏng ở cánh tay ở nơi cho thuốc, xin quý vị cho bác sĩ hay y tá biết ngay lập tức.  Tuy rằng những triệu chứng này không nhất thiết có nghĩa là quý vị đang bị một vấn đề trầm trọng nhưng chúng cần phải được xem xét ngay.

Quý vị cũng cần cho bác sĩ hay y tá biết ngay nếu quý vị bị ngứa một cách thình lình và nặng nề hay là nếu quý vị bị nổi mề đay, bị lên cơn suyễn khò khè, hay không thở được.  Những triệu chứng này có thể có nghĩa là quý vị đang bị dị ứng với thứ thuốc mà quý vị đã xài và cần điều tra ngay.

“Nhớ lại ảnh hưởng xạ trị” là gì?

Nếu quý vị đã từng được trị bệnh bằng xạ trị trước khi sử dụng hóa trị, quý vị có thể bị một phản ứng đặc biệt gọi là “nhớ lại ảnh hưởng xạ trị”.  Trong khi hay là sau khi xài một vài loại thhuốc hóa trị, phần da nơi đã được chạy điện trước kia sẽ trở nên đỏ, từ đỏ nhạt đến đỏ rất thẫm, và có thể ngứa hay là cảm thấy như là bị phỏng.  Phản ứng này có thể kéo dài một vài ngày hay nhiều ngày.  Nếu quý vị bị phản ứng này, quý vị có thể làm cho da bớt ngứa hay là nóng bằng cách đặt một miếng vải ướt và mát lên trên chỗ bị ảnh hưởng, sau đó quý vị nên cho bác sĩ hay y tá biết ngay.

Thận và bàng quang của tôi có bị ảnh hưởng hay không?

Một số các thuốc chống ung thư có thể kích thích hay làm khó chịu bàng quang (bọng đái) và đôi khi có thể gây thương tích tạm thời hay là vĩnh viễn cho những quả thận của quý vị.  Nước tiểu có thể đổi màu thành đỏ, hồng hay là màu cam hoặc có thể có nặng mùi như mùi thuốc.  Với đàn ông, tinh dịch cũng có thể bị đổi màu hay đổi mùi.  Xin quý vị hỏi bác sĩ của quý vị để xem những thứ thuốc của quý vị đang sử dụng có thể có những ảnh hưởng này hay không.  Quý vị nên cho bác sĩ biết những triệu chứng có thể là một dấu hiệu của một vấn đề trầm trọng.  Những triệu chứng quý vị nên để ý gồm có:

  • Đau, hay cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu.
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường.
  • Cảm thấy phải đi tiểu ngay lập tức mỗi lần buồn tiểu.
  • Nước tiểu màu đỏ hay có máu. Một số các thuốc hóa trị có thể làm cho nước tiểu màu đỏ. Nếu không chắc chắn xin hỏi bác sĩ hay y tá.
  • Bị sốt hay lạnh rùng mình.

Xin quý vị uống thật nhiều chất lỏng để đi tiểu được dễ dàng và để giúp ngăn chặn thương tích cho thận và bàng quang.  Ngoài những thứ chất lỏng, kem lạnh hoặc là những chất thạch cũng có thể gọi là chất lỏng.

“Hội Chứng Cảm Cúm”

Một số bệnh nhân khi được chữa bằng hóa chất cho các bác sĩ biết là họ cảm thấy họ bị cảm cúm.  Những triệu chứng gồm có đau nhức mình mẩy, nhức đầu, mệt, buồn ói, nóng sốt nhẹ, lạnh, hoặc là không ăn uống gì được có thể bắt đầu trong vòng vài tiếng, hoặc là vài ngày sau khi chữa bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 ngày.  Tuy nhiên những triệu chứng này cũng có thể bị gây ra bởi các thứ nhiễm trùng hay là do chính ung thư, do đó quý vị nên cho bác sĩ biết nếu quý vị có những triệu chứng kể trên.

Tôi có bị giữ nước khi làm hóa chất hay không?

xin quý vị cho bác sĩ biết ngay.  Đôi khi quý vị có thể cần phải tránh những thức ăn có nhiều muối hay là nhiều chất sodium.  Nếu quý vị bị giữ nhiều nước quá, bác sĩ có thể cần phải cho qúy vị uống những thứ thuốc lợi tiểu để giúp cho cơ thể loại bỏ nước một cách dễ dàng hơn.  Tuy nhiên quý vị không nên uống thuốc có lợi tiểu mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Vấn đề sinh lý cũng như sinh sản

Hóa chất trị liệu có thể ảnh hưởng tới các cơ quan sinh dục và sinh sản.  Những phản ứng phụ có thể xảy ra ợ tùy thuộc vào loại thuốc dùng, và tùy thuộc vào tuổi tác cũng như sức khỏe của người bệnh.  Quý vị nên thảo luận với bác sĩ của quý vị về những cách ngừa thai nếu quý vị còn ở tuổi có thể thai nghén hay làm cho người khác bị thai nghén được.

Phái nam

Các thuốc hóa chất có thể làm cho lượng tinh trùng của quý vị xuống thấp, làm giảm khả năng di động của những tinh trùng này, hoặc là gây nên những sự bất bình thường khác cho những tế bào tinh trùng này.  Những sự thay đổi này có thể làm cho người nam không còn khả năng có con tạm thời hay vĩnh viễn.  Khi chuyện này xảy ra, người đàn ông sẽ không thể có con được nhưng vẫn có khả năng giao hợp bình thường.

Vì sự triệt sản vĩnh viễn có thể xảy ra, trước khi sử dụng thuốc hóa chất quý vi nên thảo luận về vấn đề này với bác sĩ.  Có những trường hợp quý vị có thể giữ tinh trùng của quý vị trong một ngân hàng giữ tinh trùng để dùng sau này.  Phái nam đang sử dụng hóa chất nên sử dụng một phương pháp ngừa thai có hiệu quả trong lúc đang chữa bệnh vì những thuốc hóa chất có thể gây ra những sự thay đổi tai hại trên những nhiễm thể của các tinh trùng.  Sau khi ngưng xài thuốc hóa chất, xin quý vị hỏi bác sĩ của quý vị khi nào quý vị có thể ngưng các phương pháp ngừa thai được.

Phái nữ

Thuốc hóa chất có thể làm hại đến các buồng trứng và làm giảm số lượng kích thích tố nữ tiết ra bởi những buồng trứng này.  Do đó một số phụ nữ bị tắt kinh hay kinh nguyệt trở nên không điều hòa trong lúc họ đang làm hóa trị.  Ảnh hưởng trên những kích thích tố này cũng có thể làm cho những vị phụ nữ có những phản ứng giống như những phụ nữ sắp bị tắt kinh như là bị nóng bừng, bị ngứa ngáy, thấy nóng bỏng hoặc là bị khô âm đạo.  Những sự thay đổi này làm cho sự giao hợp trở nên khó khăn, nhưng những triệu chứng này cũng có thể làm giảm được bằng cách dùng thuốc bơm vào âm đạo.

Người đàn bà khi bị những thay đổi này cũng dễ bị nhiễm trùng trong âm đạo.  Để ngừa trước những sự nhiễm trùng này, quý vị nên tránh xài những thứ thuốc bơm vào âm đạo có chất dầu mỡ chẳng hạn như vaseline, và quý vị nên mặc đồ lót bằng vải cotton hay là những quần lót có thông hơi, và đừng nên mặc những quần áo chật. Bác sĩ của quý vị cũng có thể cho quý vị thuốc bôi dưới âm đạo hay là thuốc đút vào âm đạo để giảm nhiễm trùng.  Nếu quý vị bị nhiễm trùng thì quý vị cần chữa ngay lập tức.

Những phụ nữ xài thuốc hóa chất trị liệu có thể bị đoạn sản vì những tai hại xảy ra cho buồng trứng. Sự đoạn sản này có thể tạm thời hay có thể vĩnh viễn tùy theo những yếu tố chẳng hạn như loại thuốc, liều lượng thuốc và tuổi tác của người bệnh.  Gần đây, người ta phát minh ra cách giữ trứng của người phu nữ bằng phương pháp đông lạnh.  Qúy bà nên tham khảo với bác sĩ của mình về việc này nếu hóa chất trị liệu sẽ khiến quý bà mất khả năng sinh sản sau này.

Thai nghén và hóa chất trị liệu

Mặc dù phụ nữ có thể có bầu trong lúc đang xài hóa chất trị liệu, chúng tôi khuyên là quý vị nên tránh có bầu trong lúc đang xài thuốc vì rất nhiều thuốc hóa chất có thể làm cho bào thai bị tổn hại.  Các bác sĩ khuyên các phụ nữ đang ở trong tuổi có thể có con được, tức là tuổi dậy thì cho đến giai đoạn cuối của thời kỳ tắt kinh, phải xài một phương pháp ngừa thai nào đó nếu họ có những sinh hoạt tình dục thông thường trong suốt thời kỳ chữa chạy.

Nếu ung thư được khám phá ở một phụ nữ đang có bầu, ta có thể hoãn dùng thuốc hóa chất một số trường hợp cho đến khi đứa trẻ được sanh ra.  Những phụ nữ đang có bầu mà cần được chữa càng sớm càng tốt, các bác sĩ có thể bắt đầu hóa chất trị liệu khi bào thai đã được trên 12 tuần.  Đó là khi bào thai đã qua khỏi thời kỳ dễ bị ảnh hưởng nhất bởi hóa chất.  Trong một số trường hợp, vì sự an toàn của người mẹ, thai có thể phải được chấm dứt.  Nếu quý vị muốn có bầu sau khi đã hoàn tất hóa chất trị liệu, xin thảo luận kỹ càng với bác sĩ của quý vị.

Sinh Lý & Tình Dục

Một số bệnh nhân hơn bao giờ hết cảm thấy gần gũi hơn với người bạn đời của họ,và cảm thấy cần có nhiều hoạt động sinh lý hơn.  Những người khác lại không thấy có gì thay đổi trong đời sống tình dục của họ.  Tuy nhiên rất nhiều người cảm thấy họ không còn ham muốn tình dục nhiều như trước nữa vì những áp lực về tinh thần cũng như thể xác trong thời gian bị bệnh và chữa bệnh với hóa chất.  Những áp lực này gồm có sự lo lắng về sự thay đổi hình dạng bên ngoài; sự lo lắng về tình trạng sức khỏe, gia đình và tài chánh; ngoài ra những phản ứng phụ của hóa chất trị liệu gồm có sự mệt mỏi và những thay đổi trong các kích thích tố nam hoặc nữ cũng đưa đến những thay đổi về sự ham muốn tình dục.

Người bạn đời của bệnh nhân cũng dự phần vào những sự thay đổi này vì những lo lắng hay là những sự sợ hãi của họ.  Một số người có thể lo là những hoạt động tình dục có thể làm hại đến bệnh nhân; một số người khác lo là họ có thể lây bệnh ung thư hay là bị ảnh hưởng lây những phản ứng phụ của thuốc.  Đây toàn là những sự hiểu lầm mà bệnh nhân và người bạn đời của họ cần phải được thông hiểu bằng cách thảo luận những lo lắng về vấn đề tình dục với bác sĩ, y tá hay là một người chuyên viên hướng dẫn tâm lý.  Những người này có thể cho quý vị biết rõ những điều chi tiết hơn về những gì có thể xảy ra cho bạn, và có thể làm cho bạn cảm thấy an tâm hơn trong vấn đề gần gũi sinh lý.

Bệnh nhân và người bạn đời của họ cũng nên tìm cách chia sẻ với nhau những tình cảm của họ.  Một đôi khi, việc nói chuyện với nhau rất là khó khăn nhất là khi nói về vấn đề tình dục, hoặc là ung thư.  Trong trường hợp này, một người hướng dẫn tâm lý gia đình có thể giúp cho quý vị nói chuyện với nhau một cách dễ dàng và cởi mở hơn.

Nếu quý vị đã có một đời sống tình dục dễ dàng và thú vị trước khi bắt đầu cuộc chữa bệnh, thường là quý vị sẽ vẫn cảm thấy sự sung sướng trong đời sống vợ chồng trong lúc đang chữa bệnh.  Tuy nhiên quý vị có thể khám phá ra là những sự gần gũi này có một ý nghĩa mới hơn, sâu đậm hơn.  Những cử chỉ âu yếm giữa hai người bạn đời sẽ trở nên quan trọng hơn, trong lúc những hoạt động giao hợp có thể trở thành ít quan trọng hơn.

Ăn Uống và Việc Lên Hay Xuống Cân

Một số người, nhất là phụ nữ, thường bị lên cân trong lúc đang được điều trị bằng hóa chất.  Lý do lên cân không được rõ nhưng người ta nghĩ là có thể vì bệnh nhân cảm thấy thèm ăn mặc dù vẫn có thể bị buồn ói.  Trung bình quý vị phụ nữ tăng khoảng chừng ba bốn ký nhưng cũng có thể nhiều hơn nữa.

Dù quý vị có bị lên cân hay là không, vấn đề dinh dưỡng rất là quan trọng trong lúc chữa bệnh.  Những người nào ăn uống đầy đủ sẽ chống lại những phản ứng phụ dễ dàng hơn và chống lại nhiễm trùng tốt hơn.  Ngoài ra những tế bào bình thường trong cơ thể của họ sẽ được trở lại bình thường mau hơn.

Ăn uống đầy đủ trong lúc đang sử dụng hóa chất trị liệu có nghĩa là quý vị phải ăn uống thăng bằng và diều độ.  Quý vị phải ăn uống đầy đủ các chất bổ dưỡng mà cơ thể quý vị cần gồm có những thức ăn từ những nhóm đồ ăn như sau: trái cây và rau; thịt và cá; các loại ngũ cốc, bánh mì; và các loại thức ăn làm bằng sữa.  Quý vị cũng cần phải ăn đủ lượng nhiên liệu tức là calorie để giữ cho khỏi mất cân.  Quan trọng nhất là đủ chất đạm để tạo dựng và chữa lành da, tóc, bắp thịt và các cơ quan khác trong cơ thể đã ư bị tổn hại trong lúc đang chữa bệnh.

Quý vị cũng có thể cần phải uống nhiều chất lỏng hơn bình thường để bảo vệ bọng đái và thận của quý vị trong lúc đang chữa bệnh.

Tôi phải làm gì nếu tôi biếng ăn?

Sẽ có những ngày quý vị cảm thấy không muốn ăn bởi vì buồn ói hay là vì bị lở miệng hay đau cổ.  Quý vị có thể cảm thấy ăn không ngon nếu quý vị cảm thấy buồn chán hay mệt mỏi.  Nếu ăn không ngon là một vấn đề, quý vị có thể thử những phương cách sau đây:

  • Ăn những bữa ăn nhỏ bất cứ lúc nào quý vị cảm thấy thèm ăn.  Quý vị không bắt buộc phải ăn ba bữa ăn một ngày một cách đều đặn.
  • Thay đổi những món ăn, thử những món ăn mới hay cách nấu ăn mới.
  • Nếu có thể, quý vị nên đi bộ trước khi ăn.  Đi bộ có thể làm cho quý vị cảm thấy đói nhiều hơn.
  • Tìm cách thay đổi chỗ ăn chẳng hạn như quý vị có thể ăn ở một phòng khác thay vì nơi quý vị thường ăn, hay là quý vị có thể đốt nến trong lúc ăn để cho không khí thơ mộng hơn.
  • Ăn với bạn bè hay những người thân trong gia đình.  Nếu quý vị ăn một mình thì quý vị có thể vừa ăn vừa nghe radio hay xem tivi.
  • Nếu sống một mình và không thể sửa soạn lấy thức ăn cho chính mình, quý vị có thể nhờ bác sĩ hay y tá của quý vị, hay là những cán sự xã hội giúp cho quý vị vào những chương trình chẳng hạn như “Meals on Wheels”.  Những chương trình này có thể mang thức ăn đến cho quý vi.

Quý vị có thể hỏi hội Ung Thư Hoa Kỳ nơi quý vị ở hay là National Cancer Institute Cancer Information Service về những chương trình này.

Hội Ung Thư Hoa Kỳ có một cuốn sách nhỏ gọi là Nutrition for the Person with Cancer tức là Dinh Dưỡng cho Người Bệnh Ung Thư.  Trong đó có nhiều cách chỉ điểm cho quý vị cách ăn uống dễ hơn và thú vị hơn.  Nó cũng có nhiều ý kiến về những cách nào ăn uống bổ dưỡng để gia tăng lượng chất đạm và năng lượng cần thiết cho quý vị trong lúc đang chữa bệnh ung thư.  Những cuốn sách này được cho miễn phí nếu quý vị gọi Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) ở số 1-800-ACF-2345.

Tôi có thể uống rượu được không?

Nếu quý vị uống rượu với một số lượng nhỏ thì rượu có thể giúp cho quý vị thư giãn và gia tăng sự thèm ăn của quý vị.  Tuy nhiên rượu có thể có phản ứng với một số những thứ thuốc quý vị đang xài và có thể làm giảm hiệu năng của thuốc này hay là có thể làm gia tăng những phản ứng phụ của những thuốc này.  Xin tham khảo bác sĩ xem quý vị có thể uống rượu chát, bia, hay những thứ rượu khác hay không.

Tôi có nên dùng sinh tố (thuốc bổ hay vitamin) và những khoáng chất hay không?

Thật ra câu trả lời cho câu hỏi này rất khó, nhưng có một chuyện rất rõ ràng là không có một loại thức ăn hay là thuốc bổ nào có thể chữa được bệnh ung thư , và chúng ta không khi nào nên nghĩ là các thuốc bổ có thể thay thế được cho các thuốc chữa bệnh.  Cách tốt nhất để có được tất cả các chất dinh dưỡng mà quý vị cần là ăn uống đầy đủ, hơn là sử dụng thuốc bổ.  Nếu quý vị muốn uống các thứ thuốc bổ thì quý vị nên thảo luận với bác sĩ của quý vị trước.

Hóa chất trị liệu và tâm lý tinh thần người bệnh

Hóa chất trị liệu có thể gây ra những sự thay đổi lớn lao trong đời sống của một người.  Nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện, và đe dọa cảm giác khỏe khắn của ta.  Nó làm thay đổi đời sống hằng ngày, và làm cho những sự liên hệ giữa người bệnh với những người xung quanh bị căng thẳng.  Do đó phản ứng bình thường và dễ hiểu của người bệnh và những người bạn đời của họ là lo lắng, khóc lóc, giận dữ hay buồn chán.

Cũng như quý vị thấy ở trên, khi phải sử dụng hóa chất trị liệu, nếu ta có những cách để đối phó với phản ứng phụ trên cơ thể, thì ta cũng có những cách để đối phó với những phản ứng phụ trên tinh thần của chúng ta.

Tôi có thể tìm ở đâu được sự hỗ trợ cần thiết?

Quý vị có thể tìm được sự hỗ trợ ở nhiều nguồn khác nhau.  Sau đây là những nơi mà quý vị có thể tìm thấy những sự hỗ trợ quan trọng nhất:

Các bác sĩ và các y tá: nếu quý vị có những câu hỏi hay lo lắng về cách chữa bệnh của quý vị, hãy nói chuyện với bác sĩ hay y tá của quý vị.

Các chuyên viên tâm lý xã hội:  Các chuyên viên tâm lý xã hội có chứng chỉ có thể giúp cho quý vị biểu lộ, hểu biết và đối phó với những sự xúc động tâm lý mà quý vị đang phải trải qua.  Tùy theo sự lựa chọn và nhu cầu của quý vị, quý vị có thể nói chuyện với một bác sĩ chuyên môn về tâm thần, một bác sĩ tâm lý, một chuyên viên cán sự xã hội, một chuyên viên trị liệu tình dục, hoặc là một vị lãnh đạo tinh thần.

Thân hữu và gia đình

Nói chuyện với bạn bè hay lànhững người trong gia đình có thể làm quý vị vui vẻ hơn nhiều.  Họ có thể an ủi, làm cho quý vị tin tưởng hơn bằng những cách mà không ai khác có thể giúp cho quý vị được.  Tuy nhiên bước đầu tiên để nói chuyện một cách cởi mở với bạn bè và gia đình có thể khó khăn, và có thể chính quý vị phải là người tiến tới trước.

Một số người không hiểu về bệnh ung thư có thể tránh né quý vị vì họ sợ bệnh của quý vị.  Một số người khác có thể lo lắng là họ có thể nói những lời sai hay không thích hợp làm quý vị buồn phiền.

Quý vị có thể làm giảm những sự sợ hãi vô lý này bằng cách nói chuyện cởi mở với các người khác về bệnh của quý vị, về cách chữa trị, những xúc động, và những mong ước của quý vị.  Như vậy, quý vị có thể thay đổi những ý kiến sai lầm đó.  Quý vị có thể cho những người khác biết là không có một cách nào hoàn toàn đúng hay sai khi nói chuyện với người bị bệnh ung thư.  Một khi những người khác cảm thấy là họ có thể nói chuyện với quý vị một cách thành thật, họ sẽ dễ dàng nói chuyện một cách cởi mở với quý vị hơn.

Các nhóm hỗ trợ

Các nhóm hỗ trợ là những tụ hợp của những người đang bị cùng bệnh, đang cùng có những kinh nghiệm tương tự như quý vị.  Nhiều người bị bệnh ung thư cảm thấy là họ có thể chia sẻ những ý nghĩ và những cảm xúc với những người trong nhóm hỗ trợ dễ dàng hơn là với những người khác.  Các nhóm hỗ trợ cũng là nơi quý vị có thể tìm thấy nhiều lời khuyên, và những lời chỉ điểm thực tế trong đời sống hằng ngày của quý vị trong khi đang trị bệnh.

Có những chương trình giúp cho quý vị tìm thấy sự hỗ trợ với một người khác cũng bị bệnh như quý vị và cùng tuổi, cùng phái v.và.  Quý vị có thể nói chuyện với người này trên điện thoại hoặc là có những cuộc thăm viếng lẫn nhau.  Để tìm hiểu thêm về những chương trình hỗ trợ này, quý vị có thể hỏi nhà thương nơi quý vị đang điều trị, với văn phòng xã hội nơi nhà thương, những văn phòng của hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) nơi quý vị ở.  Nếu quý vị ở Orange County và những vùng lân cận, xin liên lạc Hội Ung Thư Việt Mỹ tại số (714) 751-5805 hoặc website: ungthư.org để biết thêm chi tiết về những nhóm hỗ trợ nói tiếng Việt trong vùng.

Làm cách nào để đời sống hàng ngày của tôi được dễ dàng hơn?

Sau đây là một số những phương pháp có thể giúp cho đời sống quý vị dễ dàng hơn trong lúc đang dùng hóa chất trị liệu:

  1. Cố gắng nhớ mục tiêu của việc chữa trị là gì.  Điều này sẽ giúp cho quý vị được lạc quan hơn ngay cả trong những ngày mà quý vị đang phải chịu nhiều khổ sở vì phản ứng phụ nhất.
  2. Nên nhớ ăn uống đầy đủ chất bổ.  Cơ thể của quý vị cần dinh dưỡng tốt để bồi dưỡng các tế bào và để giữ được sức mạnh.
  3. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh của quý vị và những cách chữa.  Sự hiểu biết có thể giúp cho quý vị đỡ sợ hãi những điều mà quý vị không biết và cũng gia tăng sự tự chủ của quý vị.
  4. Viết nhật ký trong lúc đang chữa bệnh.  Khi ghi xuống những hoạt động và những suy nghĩ của mình trong lúc chữa trị, quý vị có thể hiểu rõ hơn những cảm xúc của mình, và có thể nhớ được những câu hỏi mà quý vị cần hỏi bác sĩ hay y tá.  Quý vị cũng có thể ghi xuống nhật ký những điều liên quan đến các phản ứng phụ trong lúc đang chữa trị.  Khi ghi xuống như vậy, quý vị sẽ nhớ để thảo luận với bác sĩ và y tá về những phản ứng phụ này.  Quý vị cũng có thể ghi xuống những điều mình đã làm để đối phó với những phản ứng phụ và những phương pháp này có hiệu nghiệm hay không.  Bằng cách này quý vị sẽ biết cách để đối phó với những phản ứng phụ khi chúng xảy đến cho quý vị lần nữa.
  5. Không nên bắt chính mình phải cố gắng quá nhiều.  Đây là lúc quý vị không có những năng lực như bình thường, do đó nên tìm thời gian để nghỉ ngơi.  Có những chuyện nhỏ quý vị có thể bỏ qua và không cần để ý tới và chỉ chú ý tới những chuyện quan trọng nhất cho mình mà thôi.
  6. Tìm hiểu thêm về những thú vui mới.  Quý vị có thể tập thể thao nếu quý vị có đủ năng lực và nếu bác sĩ của quý vị đồng ý.  Một số những động tác thể dục có thể giúp cho quý vị đỡ mệt.  Khi quý vị hoạt động cơ thể, người quý vị có thể cảm thấy dễ chịu hơn, thư giãn hơn, ít căng thẳng và ít giận dữ hơn.  Ngoài ra, nó có thể giúp cho quý vị ăn ngon hơn.

Thư giãn và làm giảm căng thẳng

Có một số cách để giúp quý vị đối phó với sự căng thẳng và giúp cho quý vị thư giãn.  Quý vị có thể thử qua những phương pháp dưới đây để tìm xem cách nào là tốt nhất cho mình.  Quý vị có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những phương pháp này, nhất là nếu mà phổi của quý vị có vấn đề.

Cách căng thẳng bắp thịt rồi thư giãn

Nằm xuống trong một căn phòng yên lặng.  Hít thở chậm và sâu.  Khi quý vị hít vào, hãy co lại một bắp thịt hay một nhóm bắp thịt nào đó.  Thí dụ trong lúc thở vào, quý vị có thể nghiến răng lại hay làm cứng các bắp thịt tay hoặc chân.  Quý vị giữ những bắp thịt này cứng trong một vài giây trong lúc nín thở. Sau đó quý vị thở ra, thư giãn những bắp thịt này và để cho toàn cơ thể của quý vị thư giãn.  Làm lại từ đầu với một bắp thịt hay với những nhóm bắp thịt khác.

Một cách hơi khác của phương pháp này được gọi là “thư giãn tăng dần”.  Với thư giãn tăng dần quý vị bắt đầu với các ngón chân của một chân phải hay trái, quý vị co giãn như nói trên từ từ cho tới khi quý vị đã đi qua tất cả bắp thịt của một chân.  Sau đó quý vị làm giống như vậy với chân bên kia.  Từ chân quý vị co giãn bắp thịt ở bụng dưới, bụng trên, ngực, tay, đến cổ và mặt.  Quý vị nên nhớ nín thở trong lúc co bắp thịt và thở ra khi quý vị giãn

Thở theo nhịp điệu

Quý vị có thể nằm hoặc ngồi một cách thoải mái và thư giãn hết tất cả bắp thịt của quý vị.  Sau đó, nhắm mắt lại hoặc chăm chú nhìn vào một vật ở xa nếu quý vị không muốn nhắm mắt.  Hít vào và thở ra chậm và nhẹ nhàng qua mũi của quý vị.  Trong khi quý vị làm việc này, quý vị có thể giữ nhịp độ thở đều đặn bằng cách đếm “hít một hai, thở một hai, hít một hai” hoặc là “vào một hai, ra một hai.”  Thư giãn để người hoàn toàn thoải mái khi quý vị thở ra.  Quý vị có thể làm phương pháp này trong vòng vài phút hay là có thể làm cho tới 10 phút trong một

Phản ảnh sinh lý

Nếu quý vị được huấn luyện trong phương pháp phản ảnh sinh lý, quý vị có thể kiểm soát được những hoạt động của cơ thể quý vị chẳng hạn như độ nhanh của tim, áp huyết và sự căng thẳng của bắp thịt.  Một cái máy sẽ đo và cho quý vị biết khi cơ thể của quý vị có dấu hiệu của căng thẳng.  Máy này cũng có thể cho quý vị biết khi cơ thể của quý vị đang được thư giãn.  Sau một thời gian quý vị có thể kiểm soát được sự thư giãn của cơ thể mà không cần phải có sự phản ảnh từ máy này.  Nếu cần thì các bác sá có thể giới thiệu cho quý vị tới những huấn luyện viên trong phương pháp phản ảnh sinh lý này.

Phương pháp tưởng tượng

Quý vị nhắm mắt lại thở chậm và thư giãn cơ thể.  Quý vị hãy tưởng tượng có một khối năng lượng chữa bệnh có thể giống như là một khối ánh sáng mầu trắng đang được thành lập ở một nơi nào đó trong cơ thể của mình.  Khi đã nhìn thấy khối năng lượng đó rồi thì quý vị hít vào một cách chậm rải, và đưa khối năng lượng đó tới bất cứ phần nào của cơ thể mà quý vị đang cảm thấy đau, căng thẳng, hay khó chịu chẳng hạn như ói mửa.  Khi quý vị thở ra, quý vị hãy tưởng tượng là hơi thở của quý vị đang đẩy cái khối đó ra khỏi cơ thể của quý vi, mang theo với nó những điều đau đớn và khó chịu.  Tuy nhiên quý vị phải nhớ là quý vị phải thở một cách bình thường, đừng thổi.  Quý vị cứ tiếp tục tưởng tượng cái khối cầu này tiến vào người của quý vị mỗi lần quý vị thở vào và ra khỏi cơ thể của quý vị mỗi lần quý vị thở ra.  Quý vị có thể thấy được là cái khối cầu này càng ngày càng lớn khi nó càng ngày càng chuyên chở nhiều sự căng thẳng và đau đớn ra khỏi cơ thể quý vị.

Phương pháp hình dung

Phương pháp hình dung cũng gần giống như phương pháp tưởng tượng.  Với phương pháp hình dung thì quý vị có thể sáng tạo ra một bức tranh trong trí có ý nghĩa chiến đấu chống lại bệnh ung thư.  Quý vị có thể hình dung ra những hỏa tiễn đang bắn tung đi những tế bào ung thư trong cơ thể, hoặc là các hiệp sĩ đang đánh nhau với các tế bào ung thư.

Phương pháp thôi miên có thể đưa quý vị vào tình trạng mơ màng.  Tình trạng này có thể giúp làm giảm những sự đau đớn hay lo lắng trong người của quý vị.  Quý vị có thể được một người khác thôi miên hoặc là quý vị có thể học cách tự thôi miên.  Nếu quý vị muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, quý vị thử hỏi bác sĩ hay y tá xem họ có thể giới thiệu đến những người nào đã được huấn luyện về các phương pháp này.

Phương pháp quên lãng

Quý vị có thể tự làm quên những lo lắng và khó chịu trong người bằng cách xem truyền hình, nghe truyền thanh, đọc sách, đi xem cinê, hoặc là làm những việc với bàn tay của quý vị chẳng hạn như thêu, đan, vẽ, nặn tượng v.v..  Quý vị sẽ thấy thời gian sẽ qua rất nhanh một cách dễ dàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *