Hóa chất trị liệu là cách dùng thuốc hay hóa chất để trị bệnh. Hóa chất trị liệu dùng cho bệnh ung thư (thường được gọi là hóa chất trị liệu hay hóa trị) là cách dùng thuốc để trị ung thư. Những phương pháp trị liệu bằng giải phẫu hay dùng phóng xạ (hay xạ trị) chỉ có thể tiêu diệt hay làm tổn thương những tế bào ung thư trong một vùng hay bộ phận của nào đó của cơ thể thôi, trong khi hóa chất trị liệu có tác dụng tới toàn cơ thể. Hóa chất trị liệu có thể tiêu diệt những tế bào ung thư đã chạy tới các hạch hay tới các phần của cơ thể cách xa bướu ung thư chính.
Hiện nay, hơn 90 loại thuốc hóa chất trị liệu được dùng và nhiều loại mới đang được nghiên cứu thêm. Một loại thuốc có thể có hiệu quả tốt trong việc chữa ung thư, nhưng các bác sĩ dùng nhiều thứ thuốc tổng hợp để cơ hội trị ung thư cao hơn. Quý vị sẽ được trị bệnh bằng những phương pháp hóa trị dùng nhiều loại thuốc tổng hợp này. Cách này được gọi là “hóa trị tổng hợp”. Những chất hóa trị có tác dụng khác nhau, khi dùng tổng hợp sẽ tiêu diệt được nhiều tế bào ung thư và sẽ giảm bớt khả năng quen (lờn) thuốc của những tế bào này.
Những loại hóa chất được sử dụng điều trị ung thư
Chính bệnh nhân và bác sĩ sẽ quyết định thuốc hay tổng hợp các loại thuốc, liều lượng, cách cho thuốc, và thời khóa biểu cho thuốc. Những quyết định này còn tùy thuộc vào loại ung thư, vị trí ung thư, sự phát triển, ảnh hưởng của ung thư đối với sự làm việc bình thường của cơ thể, và tình trạng sức khỏe tổng quát của quý vị.
Công dụng của hóa chất trị liệu ra sao?
Tùy theo loại và thời kỳ phát triển của ung thư, hóa trị được dùng để chữa lành, ngăn chặn sự lan rộng, chậm lại sự phát triển, và tiêu diệt những tế bào ung thư đã chạy từ bướu chính đến các bộ phận khác của cơ thể, hoặc làm giảm bớt những triệu chứng gây ra bởi ung thư. Quý vị nên thảo luận kỹ với bác sĩ về mục đích dùng hóa trị trước khi bắt đầu sự chữa trị.
Có phải hóa trị là cách duy nhất trị bệnh ung thư?
Nhiều khi hóa chất trị liệu là cách duy nhất để chữa bệnh nhân ung thư. Trong một số trường hợp ngoài hóa chất trị liệu bệnh nhân còn được chữa thêm bằng phương pháp giải phẫu hay xạ trị (trị bệnh bằng phóng xạ, hoặc chạy điện).
Trong nhiều trường hợp, hóa chất trị liệu được dùng để làm nhỏ một bướu ung thư trước khi mổ hoặc trước khi xạ trị. Ở những trường hợp khác, hoá trị được dùng sau khi giải phẫu hay xạ trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Hoá trị được dùng riêng hay chung với những cách chữa trị khác nếu ung thư trở lại. Khi hóa chất trị liệu bắt đầu sau giải phẫu hay chạy điện để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, được gọi là “hỗ trợ trị liệu” (adjuvant therapy) nghĩa là thêm vào việc chữa trị chính thức. Nếu hóa trị dùng để làm nhỏ một bướu ung thư trước khi giải phẫu hay chạy điện, được gọi là “tiền hỗ trợ trị liệu” (neoadjuvant therapy), giúp giải phẫu hay xạ trị dễ dàng và có hiệu quả hơn.
Những điều cần biết về hóa chất trị liệu
Trước khi lựa chọn hóa chất trị liệu để chữa bệnh ung thư, quý vị cần hiểu về những lợi hại của cách chữa trị và những phản ứng phụ. Quý vị có thể hỏi bác sĩ và y tá những câu hỏi dưới đây giúp quí vị hiểu cặn kẽ hơn về hoá chất trị liệu.
- Mục đích khi dùng hóa chất trị liệu cho bệnh ung thư của tôi là gì?
- Tôi có cần phải chữa bằng cách giải phẫu hay chạy điện không? Nếu cần thì khi nào và tại sao? Những kết quả có thể đạt được của từng loại chữa chạy này là gì?
- Nếu hóa trị được dùng sau khi mổ hay sau khi chạy điện, nó có thể tiêu diệt được những tế bào ung thư sót lại không?
- Cơ may hóa trị giúp trị bệnh cho tôi là bao nhiêu?
- Sau hóa trị tôi có được chữa lành không? Ung thư có mất đi hay những triệu chứng bệnh của tôi có bớt đi không?
- Có cách nào khác để đạt được những mục tiêu trên không?
- Làm cách nào tôi biết là hóa trị đang giúp trị bệnh cho tôi?
- Nếu hóa trị không có hiệu quả, có cách chữa nào khác cho tôi không?
- Những sự nguy hiểm và những phản ứng phụ có thể xảy ra cho tôi khi sử dụng hóa trị là gì? Những phản ứng phụ này so với các thứ thuốc khác hay các loại chữa trị khác như thế nào?
- Những thuốc hóa trị tôi sẽ dùng trong bao lâu, thời khóa biểu thế nào, và tôi được điều trị ở đâu?
- Có những cách nào giúp tôi chuẩn bị tiếp nhận hóa trị không và có những cách nào giúp giảm những phản ứng phụ không?
- Tôi có cần ăn kiêng không? Những hoạt động bình thường của tôi có phải giảm đi không? Tôi có đi làm được không? Tôi có tập thể dục được không? Tôi có tiếp tục những sinh hoạt tình dục không?
- Việc dùng hóa trị tốn kém thế nào và có được hãng bảo hiểm trả không?
Những câu hỏi này chỉ là sự bắt đầu. Nếu có những câu hỏi khác, quý vị có thể hỏi bác sĩ, y tá, hay dược sĩ. Nên giữ một cuốn sổ và ghi những câu hỏi mới để khỏi quên. Khi gặp các bác sĩ hay nhân viên y tế, quý vị hỏi ngay những điều mình đang thắc mắc. Nếu không hiểu những câu trả lời, quý vị yêu cầu họ giải thích cho đến khi mình hiểu.
Để dễ nhớ những câu trả lời của bác sĩ, quý vị ghi xuống những câu trả lời lúc gặp bác sĩ. Không nên ngại ngùng khi yêu cầu bác sĩ nói chậm lại nếu cần nhiều thời gian để viết. Quý vị có thể dùng máy ghi âm lúc gặp bác sĩ để không bị thiếu sót. Quý vị có thể đem bạn hay thân nhân cùng với mình đến gặp bác sĩ để giúp quý vị hiểu thêm những gì bác sĩ đang nói, và những người này có thể giúp quý vị nhớ lại những gì bác sĩ nói trước đó.
Có nên xin một ý kiến thứ hai không?
Nếu muốn tìm hiểu để biết phương pháp chữa trị được bác sĩ của quý vị đề nghị có phải là cách tốt nhất không, quý vị có thể xin thêm ý kiến của một bác sĩ khác. Bác sĩ sẽ không phiền nếu quý vị có thêm ý kiến thứ hai. Một số hãng bảo hiểm đòi hỏi quý vị phải có ý kiến thứ hai. Thông thường, những kết quả sinh thiết cũng như kết quả các cuộc thử máu, hoặc chụp hình v.v… được gởi hay đưa tới người bác sĩ thứ hai, quý vị không phải lập lại các cuộc thử nghiệm. Xin quý vị hỏi hãng bảo hiểm để biết thêm quyền lợi của mình trước khi quý vị xin ý kiến thứ hai.
Điều trị bằng Hoá Chất Trị Liệu theo thời khóa biểu nào và thời gian bao lâu?
Thời khoá biểu điều trị cũng như thời gian chữa trị lâu hay mau tùy thuộc vào loại ung thư, mục đích của hóa trị, loại thuốc được dùng, và phản ứng của cơ thể đối với loại thuốc. Có những trường hợp quý vị phải dùng thuốc mỗi ngày, mỗi tuần, hay mỗi tháng. Tuy nhiên thường thì những cuộc chữa trị sẽ theo một chu kỳ nhất định và có quãng thời gian nghỉ ngơi để những tế bào bình thường khỏe mạnh trở lại trước khi bắt đầu vào chu kỳ chữa trị kế tiếp.
Nếu ung thư tái phát, hóa trị vẫn được dùng tiếp tục. Trong trường hợp này, những thứ thuốc mà quý vị đang dùng trước kia sẽ được dùng để làm bớt những triệu chứng, làm chậm lại sự phát triển của ung thư, hoặc để chữa lành bệnh. Phản ứng phụ xảy ra có thể khác phản ứng phụ đối với thuốc đã dùng, tùy loại thuốc, liều lượng, và cách những thứ thuốc được đưa vào cơ thể của quý vị.
Hóa chất trị liệu được đưa vào cơ thể thế nào?
Phần lớn những hóa chất trị liệu được chích vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Tùy loại thuốc và loại ung thư, hóa chất trị liệu được đưa vào cơ thể quý vị bằng những cách sau đây
Thuốc uống. Thuốc này quý vị uống dưới dạng thuốc viên, hoặc thuốc nước. Cách này dễ dàng cho bệnh nhân và rẻ hơn thuốc chích vì bệnh nhân có thể dùng thuốc ở nhà. Nếu quý vị đang dùng hóa trị bằng thuốc uống, điều quan trọng phải nhớ 1à phải uống đúng liều lượng mà bác sĩ đã căn dặn. Tuy thuốc uống dễ dàng hơn thuốc chích, chỉ có một số thuốc uống dùng cho hóa trị.
Thuốc chích vào tĩnh mạch. Có một vài cách khác nhau để chích thuốc hóa trị vào tĩnh mạch. Thuốc chích vào tĩnh mạch qua một cây kim gắn vào một ống chích trong vòng một vài phút. Một cách khác là thuốc được hòa vào túi nước biển và dung dịch này truyền vào tĩnh mạch qua một ống nhựa đặt vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay. Thông thường thuốc được truyền vào tĩnh mạch từ 30 phút cho đến vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, có những trường hợp hóa chất được truyền 24 tiếng một ngày, và người bệnh được truyền thuốc từ một đến nhiều ngày liên tục. Những ống truyền thuốc và kim chích có thể tạo những vết sẹo trong tĩnh mạch, và làm thành tĩnh mạch bị yếu sau vài lần vào thuốc. Thuốc cũng làm chai tĩnh mạch. Vì thế, một số bệnh nhân cần dụng cụ đưa thuốc vào mạch máu. Dụng cụ này là một ống nhựa mềm dùng để truyền thuốc vào tĩnh mạch lớn ở cổ, lồng ngực hoặc cánh tay. Dụng cụ này được nối liền với một ống phía bên ngoài cánh tay, hoặc bên ngoài ngực hay cổ của người bệnh; và được nối liền với một dụng cụ khác đặt dưới da để kim đâm vào dễ dàng hơn. Khi chích thuốc hay lấy máu, một cây kim sẽ được đâm vào những dụng cụ đặt dưới da hay đặt bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Máu rút ra theo lối này, và thuốc được truyền đến những dụng cụ và theo ống dẫn vào tĩnh mạch.
Những dụng cụ thường được dùng nhất nếu:
- chúng ta cần truyền nhiều thứ thuốc cùng một lúc.
- bệnh nhân cần điều trị hóa chất một thời gian dài.
- bệnh nhân cần điều trị hóa chất liên tục nhiều ngày không nghỉ.
- bệnh nhân cần truyền những thứ thuốc có thể làm hư hại đến tĩnh mạch, da hoặc bắp thịt xung quanh tĩnh mạch trong trường hợp thuốc bị ứ ra ngoài tĩnh mạch. (Những dụng cụ kể trên bền chắc hơn sẽ giảm bớt nguy cơ hóa chất ứ ra ngoài tĩnh mạch.)
Có nhiều “dụng cụ truyền thuốc vào mạch máu” khác nhau. Tùy thời gian cần dùng hóa chất trị liệu, sự tiện lợi cho người bệnh hoặc bác sĩ, sự săn sóc và thích hợp của những dụng cụ với người bệnh, và sự tốn kém khi sử dụng các dụng cụ, các bác sĩ có thể lựa chọn các dụng cụ khác nhau.
Chích hoá chất thẳng vào nước chung quanh cột thần kinh xương sống. Hóa chất ờ được chích vào màng bọc nước chung quanh cột dây thần kinh chạy từ não xuống, hay chích vào một dụng cụ đặt bên ngoài não dưới da đầu. Bộ phận này có một ống đặt thẳng vào phần nước trong não bộ. Nước này thông thường với nước bọc chung quanh cột thần kinh tủy sống.
Chích vào động mạch – Những hóa chất được chích thẳng vào động mạch. Thông thường chích thuốc hóa chất dùng trong giới hạn, như một phần của gan, một phần cánh tay hay chân. Thuốc không truyền đến toàn cơ thể.
Chích vào trong những chỗ trống của cơ thể – Thuốc được chích vào chỗ trống của bụng hay lồng ngực.
Chích vào bắp thịt – Thuốc được chích thẳng vào bắp thịt.
Chích vào bướu ung thư – Thuốc được chích thẳng vào bướu ung thư của da hay dưới da, hoặc chích vào một bộ phận bên trong cơ thể.
Cho vào bọng đái – Những hóa chất được bơm thẳng vào bọng đái. Cách này chỉ được dùng cho ung thư bọng đái mà thôi.
Bôi ngoài da – Những thứ thuốc này được bôi thẳng vào những phần ngoài da bị ung thư.
Hóa chất trị liệu có làm đau đớn không?
Khi uống, bôi, hay chích thuốc hóa chất trị liệu quý vị sẽ không cảm thấy khác lạ. Đối với những thứ thuốc chích, quý vị có thể đau một chút xíu khi kim đâm vào cơ thể. Nếu cảm thấy đau, phỏng, lạnh, hay những cảm giác khác lạ khi chích hay uống thuốc, quý vị báo cho bác sĩ hay y tá biết ngay lập tức. Các phản ứng phụ khi dùng hóa chất trị liệu sẽ được thảo luận ở phần sau.
Thí Nghiệm Y Tế Thực Hành (Clinic Trials) là gì?
Thí Nghiệm Y Tế Thực Hành là những cuộc nghiên cứu đã được thiết kế rất kỹ lưỡng để thử nghiệm những cách chữa ung thư mới. Đây là cách chữa bệnh quý vị có thể thảo luận cùng bác sĩ. Bệnh nhân tham dự vào cuộc nghiên cứu sẽ là những người đầu tiên đạt được ích lợi từ cách chữa bệnh mới này. Bệnh nhân đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của y khoa vì kết quả nghiên cứu sẽ giúp các bệnh nhân khác.
Mỗi cuộc nghiên cứu được thiết kế để trả lời cho những vấn đề đặc biệt, và tìm phương thức mới và tốt hơn giúp bệnh nhân ung thư. Không phải cuộc nghiên cứu nào cũng chỉ để tìm những thuốc trị ung thư mới. Thí dụ có những cuộc nghiên cứu để so sánh cách chữa tiêu chuẩn với cách chữa mới xem cách nào chữa lành nhiều bệnh nhân và phản ứng phụ ít hơn.
Các cuộc nghiên cứu được chia làm ba giai đoạn. Cách chữa trị mới phải được thông qua ba giai đoạn này trước khi được chứng nhận của Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ tức FDA. Mỗi giai đoạn thiết kế để tìm những dữ kiện khác nhau. Bệnh nhân có đầy đủ điều kiện để tham dự những cuộc nghiên cứu này trong các giai đoạn khác nhau, tùy tình trạng sức khỏe chung, tùy loại ung thư và thời kỳ bệnh ung thư. Nên nhớ là quý vị có quyền rút lui khỏi cuộc Thí Nghiệm Y Tế Thực Hành bất cứ lúc nào.
Có thể dùng các thứ thuốc khác trong lúc đang dùng hóa chất trị liệu không?
Một số thuốc có thể thay đổi hiệu quả của hóa chất trị liệu. Để việc chữa trị hữu hiệu nhất, xin quý vị cho bác sĩ biết những thứ thuốc mình đang sử dụng kể cả những thuốc thông thường như aspirin, dược thảo, thuốc bổ, thuốc mua ngoài chợ, và thuốc các bác sĩ cho toa. Quý vị ghi rõ ràng tên từng loại thuốc, liều lượng mỗi ngày, và lý do uống thuốc. Bác sĩ sẽ cho quý vị biết là có nên ngưng dùng những thứ thuốc này trước khi bắt đầu hóa chất trị liệu. Sau khi bắt đầu chương trình chữa trị quý vị nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc mới hay ngưng lại thuốc đang dùng.
Có thể đi làm trong lúc đang dùng hóa chất trị liệu không?
Quý vị có thể đi học, đi làm, hoặc tiếp tục những hoạt động khác tùy thuộc vào liều lượng của hóa chất trị liệu, cách thuốc được đưa vào cơ thể, và những phản ứng phụ của thuốc. Một số hóa chất trị liệu đòi hỏi quý vị phải ở nhà thương từ một đến nhiều tuần. Tuy nhiên, phần lớn những người chữa đang trị bằng hóa chất không cần ở bệnh viện vẫn tiếp tục đi làm hay đi học. Quý vị lấy hẹn cho hóa chất trị liệu vào buổi chiều sau khi đi làm về hoặc trước ngày cuối tuần để việc chữa trị ít ảnh hưởng đến công việc thường ngày.
Làm sao để biết là hóa chất trị liệu đang giúp tôi?
Các bác sĩ và chuyên viên y tế sẽ theo dõi và đo lường kết quả việc chữa trị của quý vị bằng những cách khám tổng quát, thử máu, chụp hình CAT scan, hay chụp hình quang tuyến. Quý vị đặt câu hỏi với bác sĩ để biết kết quả, và ý nghĩa các cuộc thử nghiệm; và hiệu quả của thuốc. Những phản ứng phụ không phải là dấu hiệu báo thuốc có hiệu quả. Trong trường hợp thuốc được truyền cho quý vị sau khi mổ sạch hay chạy điện tiêu hết ung thư (tức là hỗ trợ trị liệu), rất khó để biết là thuốc có giúp quý vị không. Các bác sĩ dùng hóa trị trong những trường hợp này căn cứ theo những dữ kiện đã được nghiên cứu cho thấy thuốc có thể giúp những bệnh nhân tương tự trường hợp của quý vị.
Hóa Trị: biện pháp phòng ngừa an toàn
Một số người lo lắng về sự an toàn của bạn bè và gia đình của họ trong quá trình điều trị hóa trị. Cho dù bạn có hóa trị tại nhà hoặc tại bệnh viện, bạn, những người chăm sóc của bạn và gia đình của bạn cần phải đề phòng để tránh tiếp xúc với các loại thuốc hóa trị. Gia đình và bạn bè, kể cả trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai, có thể ghé thăm bạn trong khi bạn đang có hóa trị. Hóa trị liệu sẽ không gây hại cho họ miễn là họ không có bất kỳ tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Tuy nhiên, nếu người không bị ung thư tiếp xúc trực tiếp với thuốc hóa trị liệu, họ có thể bị tổn hại.
Khi bạn nhận hóa trị liệu, bạn sẽ thấy rằng các y tá và bác sĩ ung thư đeo găng tay, có khi kính, áo choàng và đôi khi mặt nạ. Quần áo bảo hộ này làm giảm nguy cơ tiếp xúc với các loại thuốc khi thi hành các hóa trị liệu.
Sau khi điều trị kết thúc, các thứ này được bỏ vào các túi hoặc thùng đặc biệt. Sau khi bạn đã có hóa trị, các loại thuốc có thể vẫn còn trong cơ thể của bạn cho đến một tuần sau khi điều trị. Điều này phụ thuộc vào các loại thuốc được sử dụng. Các loại thuốc có thể được chuyển vào nước tiểu, phân và chất dịch cơ thể khác như nước bọt, nôn mửa, tinh dịch và sữa mẹ. Chăm sóc cần được thực hiện để người khác không phải tiếp xúc với các loại thuốc qua tiếp xúc với dịch cơ thể của bạn.
Hóa trị và nhiễm trùng – Bạn thường dễ bị nhiễm trùng hơn trong khi bạn đang có hóa trị. Nếu có người thân hoặc bạn bè của bạn có một căn bệnh truyền nhiễm, như cảm lạnh hoặc cúm, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc y tá. Họ có thể khuyên rằng những người thân của bạn chờ đợi cho đến khi hết bệnh trước khi quá gần gũi với bạn.
An toàn tại nhà – Biện pháp phòng ngừa an toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào các loại thuốc mà bạn nhận được, vì vậy hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa y tế của bạn về tình hình cá nhân của bạn. Trong vòng một tuần sau mỗi lần điều trị: sau khi sử dụng nhà vệ sinh, dội nước rửa cầu hai lần với nắp đậy xuống. Rửa hay giặt quần áo hay dụng cụ bị dính chất dịch cơ thể trong riêng biệt. nếu dung máy giặt, chọn chu kỳ tối đa với độ nóng tối đa mà vải chịu được. Sau khi giặt rửa và làm khô, các thứ này có thể trở lại sử dụng chung được. Vài cơ quan đề nghị hai chu kỳ giặt. Giữ một nguồn cung cấp găng tay cao su và các loại khăn lau tay dùng một lần. Để vứt bỏ găng tay và khăn lau tay, niêm phong trong một túi nhựa trước khi đưa chúng vào thùng rác. Đeo găng tay cao su khi cầm quần áo hoặc giường dính nôn hoặc bất kỳ chất dịch cơ thể khác. Nếu chất dịch cơ thể hoặc hóa trị tràn thuốc lên những thứ trong nhà (chẳng hạn như thảm hoặc một tấm nệm), đeo găng tay cao su, thấm dịch bằng khăn giấy dùng một lần, rửa sạch xung quanh khu vực bằng một miếng vải dung một lần, hay nước xà phòng, và rửa sạch khu vực với nước. Nếu thuốc tràn trên da, cần rửa bằng xà phòng và nước đang chảy. Liên lạc với bệnh viện nếu da bị đỏ hoặc bị dị ứng nếu không giảm đi trong vòng một giờ.
Sử dụng biện pháp phòng ngừa để tránh mang thai trong khi bạn đang có hóa trị – Nếu bạn có một em bé, bạn sẽ không thể cho con bú mẹ trong suốt giai đoạn hóa trị. Bảo vệ đối tác của bạn bằng cách sử dụng bao cao su hoặc một bao cao su nữ nếu bạn có bất kỳ loại quan hệ tình dục trong vòng vài ngày sau một phiên điều trị. Bác sĩ hoặc y tá của bạn có thể cung cấp cho bạn thêm thông tin về bao lâu bạn cần phải sử dụng bảo vệ này. Không nghiền nát hoặc cắt thuốc hóa trị. Nếu bạn không thể nuốt toàn bộ viên thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Cất giữ thuốc hóa trị, dù là thuốc viên hay thuốc tiêm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn. Giữ chúng ngoài tầm tay trẻ em. Niêm phong hộp đựng thuốc trong túi nhựa để đưa lại nhà thuốc hay bệnh viện nơi cung cấp thuốc.